Bình Thuận nhiều năm qua đã trở thành điểm sáng của du lịch miền Trung. Ngoài những bãi tắm đẹp, những đồi cát có một không hai, những làng chài yên bình, những công trình kiến trúc Chăm Pa độc đáo, Bình Thuận còn có một bãi biển Cổ Thạch đẹp như cổ tích.
Bãi biển Cổ Thạch - Bãi biển “độc nhất vô nhị” ở nước ta
Ở huyện Tuy Phong, Bình Thuận có khu du lịch Cổ Thạch, là một khu du lịch nghỉ mát và tâm linh nổi tiếng. Bãi biển Cổ Thạch nằm trong khu du lịch này. Đường bờ biển trải dài suốt một phần bãi biển thuộc xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong.
Khi nhắc đến biển, hầu hết trong số chúng ta đều nghĩ ngay đến những bờ cát trắng mịn trải dài tít tắp ôm lấy bờ biển êm đềm. Nhưng ở Cổ Thạch, trên bờ biển lại là một quần thể đá và cát, trong đó đá chiếm ưu thế hơn cả. Những bãi đá ở đây gồm nhiều loại đá với kích thước lớn nhỏ, hình dáng tròn dẹt và màu sắc phong phú khác nhau. Chính vì vậy bãi đá Cổ Thạch còn được gọi là bãi đá 7 màu. Cũng có những khu vực, bãi đá mọc lên như một rừng đá khổng lồ với đủ hình thù kỳ thú.
Nhưng điều đặc biệt riêng có của biển Cổ Thạch có lẽ là mùa “săn” rêu. Đó là thời điểm sau tết, khoảng tháng 2 - tháng 3 hằng năm. Lúc này, rêu xanh phủ kín từng tảng đá, tạo nên khung cảnh thiên nhiên độc đáo và ảo diệu. Đây là thời điểm giới nhiếp ảnh gia và du khách rần rần kéo đến để chiêm ngưỡng cảnh tượng “có 1 không 2” tại Việt Nam.
Thời điểm lý tưởng nhất để đến biển Cổ Thạch
Theo kinh nghiệm du lịch Cổ Thạch, có 2 thời điểm được cho là lý tưởng nhất để bạn đến với vùng biển này. Đó là vào tầm tháng 2 - tháng 3 dương lịch, khi rêu xanh đã phủ kín một màu trên những tảng đá lớn tạo nên cảnh tượng thiên nhiên hiếm có và kỳ vĩ. Thường thì cao điểm “mùa săn rêu” là vào tháng 3. Nhưng rêu cũng có thể xuất hiện sớm hơn hoặc muộn hơn một chút tùy tình hình thời tiết hàng năm.
Thời điểm thứ 2 là vào tháng 8 âm lịch. Từ ngày 16 đến ngày 18 tháng 8 âm lịch hàng năm là lúc diễn ra lễ hội Nghinh Ông. Đây là lễ hội lớn và quan trọng nhất trong đời sống tinh thần của người dân miền Biển. Những du khách yêu văn hóa cũng rất thích đến đây vào thời điểm này để tìm hiểu văn hóa và hòa mình vào không khí lễ hội sôi động.
Lễ hội nghinh ông ở Bình Thuận
Thời điểm không thích hợp để du lịch biển Cổ Thạch là tầm tháng 7 đến tháng 8 dương lịch. Đây là lúc trên biển xuất hiện loại sứa đen, khiến nước biển mất đi màu trong xanh vốn có. Lúc này cũng là thời gian biển động nên không thích hợp cho các hoạt động tắm và vui chơi trên biển.
Cách di chuyển đến bãi biển Cổ Thạch
Tùy điểm xuất phát của mình mà bạn chọn cách di chuyển sao cho phù hợp và thuận tiện.
Du khách xuất phát từ miền Bắc
Với những du khách xuất phát từ miền Bắc, các tiện lợi nhất là đặt vé máy bay đi Nha Trang. Thời gian bay khoảng 1 giờ 50 phút. Khi đến Nha Trang, bạn đi thêm khoảng 161km nữa là đến Cổ Thạch. Từ Nha Trang đến Cổ Thạch bạn có thể lựa chọn những phương tiện như:
Đi xe khách của các nhà xe Phương Trang, Phương Nam đi từ Nha Trang đến Mũi Né.
Đi tàu hỏa đến Mũi Né với tần suất khoảng 5 chuyến mỗi ngày và thời gian di chuyển khoảng 4 giờ.
Những bạn trẻ có máu phiêu lưu lại thích phượt bằng xe máy để có cơ hội chiêm ngưỡng thiên nhiên tươi đẹp suốt dọc đường đi.
Du khách xuất phát từ Sài Gòn
Từ Sài Gòn đến biển Cổ Thạch khoảng cách tầm 300km. Bạn có thể lựa chọn một trong những cách di chuyển sau:
Phượt bằng xe máy với thời gian di chuyển khoảng 5 giờ 40 phút. Tuy hơi vất vả nhưng bạn sẽ được thưởng ngoạn khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp suốt dọc đường đi.
Nếu đi xe khách giường nằm, thời gian di chuyển khoảng 5 tiếng. Bạn có thể đi từ bến xe Miền Đông đến Mũi Né với các chuyến xe của nhà xe Linh Vũ, Trúc Nguyên, Minh Nghĩa,...
Đi bằng tàu lửa sẽ mất khoảng 4 giờ. Điểm dừng là ga Phan Thiết. Từ đây bạn đi taxi thêm khoảng 1 giờ 45 phút để đến Cổ Thạch.
Bản đồ đường đi từ Sài Gòn đến Cổ Thạch.
Du khách xuất phát từ Mũi Né chỉ cần bắt xe khách và xuống ở ngã ba Liên Hương. Sau đó du khách bắt xe ôm đi vào Cổ Thạch với chi phí chỉ khoảng 40.000 - 50.000 VND.
Từ thành phố Phan Thiết, du khách đi thêm khoảng 100km nữa là đến Cổ Thạch. Bạn đi ngược về phía Bắc khoảng 90km theo quốc lộ 1A. Khi đến ngã ba thị trấn Liên Hương bạn rẽ trái và đi theo con đường đất đỏ với hàng phi lao cao vút 2 bên là sẽ đến được biển Cổ Thạch.
Biển Cổ Thạch có gì hấp dẫn du khách?
Tìm về hoang sơ, thư giãn giữa thiên nhiên
Cổ Thạch sở hữu bãi biển hoang sơ, chưa bị tác động nhiều bởi các hoạt động thương mại hóa du lịch của con người. Nước biển ở đây xanh biếc, trong vắt, sóng khá nhanh và mạnh. Đứng trước khung cảnh hoang sơ và bình yên của biển, mọi buồn phiền sẽ được gột rửa. Nếu chán cuộc sống thị thành xô bồ, bận bịu, hãy dành một thoáng đứng trước biển. Bạn sẽ ngay lập tức cảm thấy như được “refresh” cả thân, tâm và trí.
Những khối đá lớn được sóng biển bào mòn.@thanhnien.vn
Rừng đá 7 màu ảo diệu
Biển Cổ Thạch sở hữu một bãi đá Bảy Màu hay còn được người dân địa phương gọi là bãi Cà Dược. Hàng trăm năm qua, những dòng hải lưu và thủy triều đã tác động và kéo theo những viên đá sỏi từ dưới biển lên rồi đẩy chúng vào bờ. Cả một bờ biển dài khoảng 300m bạt ngàn đá sỏi với đủ các hình dáng, màu sắc khác nhau nhìn vô cùng đẹp mắt. Dưới sóng biển và ánh nắng, chúng lấp lánh như những viên ngọc khiến bất cứ ai ngắm nhìn cũng phút chốc “đứng hình”.
Chính bởi vẻ đẹp độc đáo và hiếm có, năm 2011, bãi đá 7 màu ở đây đã được công nhận là “Bãi đá có hình dạng, màu sắc nhiều nhất Việt Nam” bởi Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam.
Những viên đá đủ hình dạng và màu sắc.@langchaixua.com
Bãi đá Thạch Cung với những khối đá khổng lồ
Ngoài bãi đá 7 màu sặc sỡ, biển Cổ Thạch còn sở hữu một bãi đá Thạch Cung với những tảng đá lớn xếp thành từng cụm gần bờ. Dưới sự “điêu khắc” của sóng biển qua hàng ngàn năm, những tảng đá lớn có hình thù kỳ thú. Đứng ở đây bạn có thể thỏa sức tưởng tượng ra hình ảnh những chú voi phun nước, những bàn tay khổng lồ hướng ra biển…
“Săn” rêu biển Cổ Thạch
Trải nghiệm thu hút sự quan tâm và gợi sự tò mò của đông đảo du khách nhất có lẽ là mùa “săn” rêu. Sau tết Nguyên Đán, khoảng tháng 2 đến tháng 3 hàng năm, những tảng đá lớn trên bãi biển ở Cổ Thạch lại phủ rêu xanh mướt mát. Biển Bình Thuận có đặc điểm nhiều tầng đá vươn ra biển. Ở đây đón nắng sớm hơn các vùng biển khác nên rêu cũng phát triển sớm hơn và đẹp hơn so với nhiều vùng biển khác trên cả nước.
Bãi rêu xanh hé lộ khi thủy triều xuống.
Vào thời điểm này, bãi đá phủ lên mình một lớp áo rêu xanh mướt mượt. Giới nhiếp ảnh ra bắt đầu kéo nhau về đây để “săn bắt con nghệ thuật”. Còn du khách vừa tò mò, vừa thích thú khi vừa được ngắm rêu, vừa được ngắm các nhiếp ảnh gia tìm kiếm tác phẩm để đời với hiện tượng thiên nhiên kỳ thú chẳng khác nào truy tìm kho báu.
Những nơi rêu đẹp nhất thường là những ghềnh đá nơi nước trong veo, sóng mạnh nhưng cũng là nơi đi lại khó khăn, trơn trượt nhất. Rêu ở đây chỉ lộ ra khi thủy triều rút xuống nên công cuộc ngắm rêu đích thực là một cuộc “săn” rêu. Vào thời điểm hoàng hôn, khi nắng sắp tắt là lúc bãi rêu đẹp kỳ ảo nhất.
Đến biển Cổ Thạch ăn gì? Khách sạn gần biển Cổ Thạch nào uy tín?
Đến biển Cổ Thạch, bạn đừng quên ghé thăm những phiên chợ hải sản ngay trên bờ biển. Hãy chọn cho mình một mớ hải sản tươi ngon rồi nhờ chế biến và thưởng thức ngay các hàng quán bên biển. Nếu muốn mua hải sản về làm quà, bạn nên nhờ người dân luộc trước khi đóng gói để đảm bảo độ tươi ngon.
Chợ hải sản ở biển Cổ Thạch.
Quanh khu vực bãi biển Cổ Thạch cũng có nhiều nhà hàng, quán ăn ngon. Hãy chọn một quan bạn thích và đừng quên thưởng thức những món đặc sản nổi tiếng như: Bánh tráng chả cá, gỏi cá mai, cá liệt dầu nướng than hoa, cua hoàng đế, các loại ốc biển…